Global GAP là gì?
GlobalGap (tên đầy đủ: Global Good Agricultural Practice), gọi là Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, là một bộ tiêu chuẩn (tập hợp các biện pháp kỹ thuật) về thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các nông sản (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) trên phạm vi toàn cầu.
GlobalGAP có 252 tiêu chí, bao gồm 36 tiêu chí bắt buộc phải tuân thủ 100%, 127 tiêu chí có thể tuân thủ đến mức 95% cũng được chấp nhận và có 89 kiến nghị khuyến cáo nên thực hiện.
Để đạt tiêu chuẩn hay chứng nhận GlobalGAP, người sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Chẳng hạn như phải làm sạch nguồn đất, đảm bảo độ an toàn nguồn nước; chọn giống cây trồng, vật nuôi sạch bệnh; lựa chọn vật tư sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…) cũng phải đảm bảo là những thuốc trong danh mục, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, những người liên quan phải ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bảo quản để phòng ngừa khi xảy ra sự cố như là ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và có thể truy nguyên được nguồn gốc.
Lợi ích của việc chứng nhận Global GAP
Được xác nhận về việc các sản phẩm của doanh nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP;
Tạo sự tin cậy đối với người tiêu dùng, gia tăng hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh, tăng khả năng thâm nhập thị trường mới;
Quy trình sản xuất được cải tiến liên tục, giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm;
Có Mã số GLOBALGAP (GGN) để dễ dàng xác định và truy xuất nguồn gốc ở cấp độ B2B (giữa các doanh nghiệp với nhau). Chứng nhận GlobalGAP được chấp nhận ở mọi nơi nên giảm thiểu các cuộc kiểm tra của bên thứ 2
Làm thế nào để đạt được chứng nhận Global GAP
Bước 1: Xây dựng và áp dụng các điểm kiểm soát cần thiết trong Control Point and Criteria Compliance (CPCCs)
Bước 2: Đánh giá nội bộ theo các điểm kiểm soát.
Bước 3: Đăng ký chứng nhận Global GAP.
Bước 4: Nhận giấy chứng nhận Global GAP từ tổ chức chứng nhận nếu tuân thủ 100% các điểm Chính yếu (Major Must) và ít nhất 95% các điểm Thứ yếu (Minor Must) trong tổng 252 tiêu chí của GlobalGAP.
Tham khảo Các tài liệu cần thiết được ban hành bởi GLOBALGAP tại đây
Quy trình chứng nhận Global GAP
Quy trình chứng nhận được tiến hành theo các bước chính như sau:
Xác định phạm vi chứng nhận.
Đánh giá thử (tùy chọn) nhằm đánh giá thực trạng hiện tại của trang trại.
Đánh giá chứng nhận (cấp giấy chứng nhận): xác nhận doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của GlobalGap.
Giấy chứng nhận có giá trị trong vòng 1 năm kể từ ngày có quyết định chứng nhận
Tái chứng nhận để theo dõi sự phù hợp và quá trình cải tiến thường xuyên.